Do khan hiếm nên giá cả các loài động vật quý rất đắt đỏ, ví như 1kg thịt dugong quy ra tiền sẽ là 150 nghìn, rùa biển là 130-140 nghìn/kg. Ngoài ra những bộ xương, nanh, da của chúng còn có nhiều giá trị khác. Xương, nanh dugong có giá trị y học, vỏ rùa biển độn để bán làm vật trưng bày.
Tiếp chuyện với cựu ngư Nguyễn Văn Khanh, ấp Bãi Thơm có hơn 17 năm làm “sát thủ dugong” nay đã chuyển nghề, ông cho biết bộ xương dugong rất đắt. Cặp nanh dugong nặng trên 500g, người ta trả ông 100 triệu mà ông không bán.
“Bắt đựợc một con dugong hay rùa biển có khi giá trị hơn cả một chuyến khai thác hải sản thông thường. Vì thế khi ngư dân bắt được những loài quý như dugong hay vích thì nhất định không chịu tha” – Đại úy Hoàng Mai Cương, Trưởng Trạm biên phòng Vũng Trâu Đằm, Đồn biên phòng Rạch Tràm, chuyên trách việc quản lý việc khai thác đánh bắt nguồn lợi thủy sản vùng Bắc Đảo âu lo.
Theo Đại úy Cương, trong hầu hết các vụ bắt giết động vật quý hiếm ở Phú Quốc, khi cơ quan chức năng biết thì mọi sự đã rồi, rất ít những vụ bắt quả tang các loài động vật quý còn sống để thả lại biển khơi.
Để đối phó các cơ quan chức năng, khi bắt được các loài động vật quý, các chủ ghe đều xẻ nhỏ thịt sau đó ngụy trang bằng nhiều cách khác nhau, hoặc liên hệ ngay với mối trong bờ, cho ghe ra tẩu tán ngay trên biển.
Ngày 26-7, một con rùa biển nặng đến 80kg đã bị ngư dân làm thịt tại ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, Phú Quốc. Trung tá Trần Định, Trưởng công an xã Bãi Thơm nhận định “đây là một trong những đối tượng thường xuyên vận chuyển động vật quý hiếm đi tiêu thụ nhưng lần này mới bắt được quả tang”.
Phú Quốc sẽ không còn “giàu”?
Từ vùng biển được xem là xứ sở của các loài dugong, rùa biển, hải sâm… giờ đây chúng đang dần khan hiếm và biến mất. Dugong ở Việt Nam chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, riêng Phú Quốc ước lượng chỉ còn khoảng 100 con. Và đó là con số đã cũ.
Theo chiếc ghe nhỏ chạy bằng máy D-24 (công suất 24 CV) làm nghề đánh lưới cào của anh Trần Văn Tân, thong dong trên biển ngày cũng như đêm, anh nói với tôi về nạn cào bay, cào xiệc điện đang ngày đêm hoành hành. Ở đây những người làm công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản ví hai hình thức trên là “hiện thân của thần chết” của biển.

Một đôi cào bay (cào đôi công suất máy trên 100 CV) đang neo, đây được xem là hung thần số một của các loài thủy sản
Cào xiệc điện “diệt tất cả” vì khi trúng luồng điện các loài hải sản sẽ bị tê liệt, chết trước khi lọt vào miệng lưới. Mỗi chủ ghe sẽ tự trang bị cho mình bộ kích điện được nối với bình ắc quy có tích điện. Khi phát tạo ra nguồn điện 12 V hoặc lớn hơn, đủ vô hiệu hóa sự trốn thoát của các loài. Bộ kích này sẽ đấu nối trực tiếp với dây điện trần được bóc vỏ còn lõi, viền theo miệng cào đặt trước lưới.
“Hai hình thức đánh bắt này còn tàn phá trực tiếp môi trường sống ở tầng đáy, nơi sinh sống và ẩn nấp của các loài thủy sinh” – Ông Từ Văn Bình đội Trưởng Đội tình nguyện bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói.
Cũng theo ông Bình, một thực tế trớ trêu là do khan hiếm cá, tôm các ghe cào thường sắm xiệc điện để đánh bắt cho hiệu quả. Đánh bằng xiệc điện lại gây suy giảm nhanh chóng các loài. Suy giảm thì khan hiếm và khan hiếm thì phải dùng xiệc điện, cứ như thế cuối cùng hậu quả lại chính người dân tự gánh.
Ngư dân đang có hướng “vươn biển” sang vùng láng giềng Campuchia cách Phú Quốc nơi gần nhất là 4km làm hợp đồng đánh bắt (luật pháp Campuchia cho phép) vì vùng biển đó còn khá phong phú nguồn hải sản.
Năm nào tôi cũng đến Phú Quốc, và mỗi lần thấy đội ghe thuyền của ngư dân huyện đảo càng đông hơn, công suất lớn hơn. Phú Quốc từ giàu hải sản như chính cái tên vốn có của nó, nhưng hiện đang suy kiệt từng ngày…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét