Ecolandphuquoc là trang cung cấp thông tin về nhà đất Phú Quốc đầu tư Phú Quốc. Mong các bạn cho ý kiến góp ý để Blog ngày càng hoàn thiện hơn.
Chân thành cảm ơn!

Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

TAND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Xét xử không khách quan


Vi phạm tố tụng, áp dụng sai luật và bỏ sót nội dung vụ kiện là cơ sở để kháng nghị Bản án số 21/2011/DSST ngày 31-5-2011 của Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Út, ngụ tại ấp 3, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc với bị đơn là ông Huỳnh Văn Đủ, ngụ tại tổ 1, ấp Ông Lang, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc...



Nội dung tranh chấp
Ông Huỳnh Minh Hùng được UBND huyện Phú Quốc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vào ngày 13-5-2003 diện tích 16.603 m2, gồm hai thửa đất (số 18 diện tích 4.190 m2 và số 59 diện tích 12.413 m2) tờ bản đồ số 03, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc. Ông Hùng chuyển nhượng 16.603 m2 đất này cho bà Nguyễn Thị Út đứng tên quyền sử dụng ngày 12-4-2004. Ông Huỳnh Văn Đủ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ ngày 1-10-2004 diện tích 13.825 m2, thửa số 20, tờ bản đồ số 02, xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc; (thửa 20 này giáp với thửa 59 của bà Nguyễn Thị Út).
Tháng 3 năm 2007, bà Út san lấp mặt bằng trên phần đất thuộc sổ đỏ của bà, bị ông Đủ ngăn cản, cho rằng bà Út san lấp trên đất 13.825 m2, thửa số 20 thuộc chủ quyền của ông. Ngày 23-5-2007, ông Đủ chuyển nhượng 13.407 m2, thửa số 20 cho ông Nguyễn Hồng Phương. Sau khi UBND xã Cửa Dương hòa giải không thành, bà Út khởi kiện ông Đủ tại TAND huyện Phú Quốc (hồ sơ thụ lí số 133/2008/TLST-DS ngày 3-11-2008).
Bản án số 21/2011/DSST ngày 31-5-2011 của TAND huyện Phú Quốc: Công nhận phần đất của ông Đủ theo giấy chứng nhận QSDĐ ngày 1-10-2004, thửa 20, trên; bà Út, có trách nhiệm lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại diện tích đất cấp trong giấy chứng nhận QSDĐ thuộc thửa số 59, tờ bản đồ số 03, đúng với thực tế sử dụng. Tuy nhiên …
Xét xử không khách quan
Thứ nhất, HĐXX phiên tòa sơ thẩm đã công nhận việc chuyển nhượng đất đang có tranh chấp! Bởi vì, từ tháng 3 năm 2007, có xảy ra tranh chấp chủ QSDĐ của của bà Út với QSDĐ của ông Đủ (khi bà Út san lấp đất nói trên). Nhưng, tranh chấp này chưa giải quyết xong, thì tháng 5 năm 2007 ông Đủ đã “vội vàng” chuyển nhượng 13.407 m2 cho ông Nguyễn Hồng Phương. Chảng lẽ, điều này Tòa không biết ?
Thứ hai, ngày 27-4-2009, ông Huỳnh Văn Đủ lập giấy ủy quyền cho ông Huỳnh Quốc Trung: “đến Tòa án để dự phiên hòa giải tranh chấp QSDĐ”. Thế nhưng thẩm phán chấp nhận cho ông Trung tham gia tố tụng với tư cách là người được ủy quyền của bị đơn, để kí các biên bản, lấy lời khai, tham gia các phiên hòa giải và cả phiên tòa, là vượt quá phạm vi, nội dung ủy quyền, vi phạm vào Khoản 2, Điều 74 BLTTDS: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền”; và, Khoản 2, Điều 144 Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) quy định: “Phạm vi đại diện theo ủy quyền được xác lập theo ủy quyền”.
Thứ ba, Tòa án cấp sơ thẩm đưa vụ án ra hòa giải 2 lần (ngày 28-4-2009 và ngày 12-8-2010) nhưng không triệu tập bà Trương Thị Sáu (vợ ông Đủ) và một số người khác có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tham gia hòa giải là vi phạm Mục II, Điểm 4, Nghị quyết số 02/2006/HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: “Tòa án phải triệu tập tất cả những người có liên quan đến giải quyết vụ án tham dự phiên hòa giải. Nếu việc hòa giải vụ án có liên quan đến tất cả các đương sự trong vụ án mà có đương sự vắng mặt, thì Thẩm phán phải hoãn phiên hòa giải để mở lại phiên hòa giải khác có mặt tất cả các đương sự ...”.
Ngoài ra, tại phiên tòa xét xử ngày 5-5-2011, sau khi Tòa nghị án lần thứ 3, rồi tuyên: Xét thấy tại phiên tòa có nhiều tình tiết trong vụ án chưa được làm rõ, căn cứ Điều 208 BLTTDS, HĐXX ra quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, Tòa đã áp dụng sai luật. Bởi, Điều 208 BLTTDS quy định về thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa, còn lí do hoãn phiên tòa thì căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 51, Khoản 2 Điều 72 và các Điều 199, 200, 201, 203, 204, 206, 207, 215 và Khoản 4 Điều 230 BLTTDS.
Thứ tư, Tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 04-6-2009 và 18-3-2010 do Tòa án lập, tổng diện tích thực tế của hai thửa 59 và 20 là 22.735,1 m2. Trong đó phần đất bà Út sử dụng là 9.366,6 m2, phần đất ông Đủ (đã chuyển nhượng) còn lại 10.292 m2; phần đất ở giữa các bên đang tranh chấp diện tích 3.076,5 m2. Từ các số liệu này cho thấy bà Út bị thiếu 3.046,4 m2 đất so với diện tích đất thửa 59 trong sổ đỏ. Nguyên nhân, là hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Đủ (ngày 1-10- 2004) không có xác nhận của hộ liền kề (bà Út) theo quy định, vì thế mà đã cấp luôn cả phần đất đang thuộc sổ đỏ của bà Út.
Như vậy, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, đã không khách quan khi giải quyết, chưa làm rõ những điều mâu thuẫn trên đây và vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án. Do vậy, “xét thấy cần thiết phải hủy bản án nêu trên để giải quyết lại theo thủ tục chung” (Quyết định số 03/QĐ-KNPT.DS ngày 20-6-2011 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Phú Quốc kháng nghị Bản án số 21/2011/DSST ngày 31-5-2011 của Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc theo thủ tục phúc thẩm).
Dư luận ở huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang trông chờ một quyết định khách quan, thấu lí, đạt tình giải quyết vụ án trên tại phiên tòa phúc thẩm của Tòa án tỉnh Kiên Giang.
Theo baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét